Fanpage

Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản: Chưa khai thác hết tiềm năng


Cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương
Việt Nam đã trở thành thành viên của 8 FTA song phương và đa phương, gồm: FTA ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Úc - Niuzilân, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Chi lê. Việt Nam cũng đang xúc tiến đàm phán ký kết FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Ấn Độ, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và đáng chú ý là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đối với đa số các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa là trên 85% số dòng thuế. Cho đến năm 2014, nhiều FTA đã bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, ví dụ như FTA ASEAN, ASEAN- Trung Quốc và ASEAN- Hàn Quốc, ASEAN- Nhật Bản; trong đó, mức độ cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN cao nhất với tỷ lệ cam kết đến năm 2015, khoảng 93% số dòng thuế có mức thuế suất 0% và 7%, dòng thuế còn lại sẽ có mức thuế suất 0% vào thời điểm 1/1/2018, ngoại trừ một số ít mặt hàng nông sản, một số mặt hàng trong trong nhóm ô tô và xăng dầu.

Các Hiệp định khác như ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ mức thuế suất bình quân năm 2016 giảm đáng kể, chỉ còn ở mức 6%; 7% và 8% so với mức tương ứng năm 2014 là 8%; 8% và 9%.
Về thương mại, thúc đẩy xuất khẩu là tác động lớn nhất và quan trọng nhất mà các FTA mang lại. Thông qua các FTA, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thực tế, các hiệp định FTA đã góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và với các đối tác của ASEAN. Trong giai đoạn 2006 - 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ (các đối tác ASEAN+) đạt bình quân hơn 20%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung (khoảng 15%) và cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu trong cùng thời kỳ.

Tiềm năng từ quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản còn lớn
Vấn đề đặt ra là Việt Nam tận dụng và khai thác như thế nào các lợi thế do các FTA đem lại. Số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều từ các lợi thế này. Thị trường Nhật Bản được coi là khai thác tốt cũng mới đạt 40%, khu vực ASEAN chỉ đạt khoảng 20%. Lợi ích của DN Việt Nam thu được từ việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế (VJEPA) Việt Nam - Nhật Bản và các FTA đã tham gia nói chung trong những năm  qua chưa phản ánh được tiềm năng thương mại trong nước.
Theo nội dung FTA Việt Nam - Nhật Bản, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuấtkhẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông - lâm - thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế. Đổi lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất. Trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Kể từ khi FTA có hiệu lực, Nhật Bản ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng và diện mặt hàng xuất khẩu đa dạng hơn. Thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy trong tháng 5/2014, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt trên 1,23 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước. Nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt trên 6,04 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm các nhóm hàng chính: hàng dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện … Trong đó, hàng dệt may đạt giá trị 965,3 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15,9% tổng trị giá xuất khẩu; mặt hàng dầu thô với trị giá đạt 960,5 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng xếp thứ ba về kim ngạch với trị giá đạt trên 827 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ…
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt khoảng 70,88 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2013, trong đó hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 11,6%, mặt hàng tôm xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 6,6%, đạt 293,9 triệu USD, riêng tháng 6 tốc độ tăng trưởng đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái…

Nhật Bản là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và Trong nhiều năm qua là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường trên thế giới thì Nhật Bản chiếm tỷ trọng lên đến 10%. Tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm 2013, Nhật Bản xếp thứ 4 trong tất cả các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; trong đó, xếp thứ 2 về xuất khẩu và xếp thứ 3 về nhập khẩu. Với xu hướng cam kết mở cửa thị trường hàng hóa ngày càng sâu rộng cũng đồng nghĩa với những thách thức đối với các DN ngày càng lớn, đó là sức ép về cạnh tranh, về khả năng tận dụng lợi ích từ FTA mang lại; thị trường Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu; đồng thời tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi các FTA .
Nguyễn Thanh

024.6664.7001