Ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều chứng chỉ được sử dụng để đánh giá khả năng tiếng Nhật của ứng viên (như JLPT,
STBJ, NAT TEST ...). Nhưng những chứng chỉ này có vai trò như thế nào khi đi xin việc tại các công ty Nhật? Liệu có nhất thiết phải lấy được chứng chỉ hay không? Dưới đây là một số ý kiến từ các chuyên gia Nhân sự ghi nhận được.
Nhìn chung, nhược điểm của các chứng chỉ tiếng Nhật hiện nay là chỉ đánh giá khả năng nghe, đọc, ngữ pháp và từ vựng, chưa đánh giá khả năng viết và nói. Vì vậy, nhiều ứng viên không muốn thi lấy chứng chỉ vì họ tự tin mình có thể thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn trực tiếp với người Nhật. Đồng thời, họ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi không tham gia các kỳ thi trên. Điều này không sai nhưng cũng chưa hẳn đúng vì chứng chỉ tiếng Nhật vẫn đóng vai trò không thể chối bỏ được trong quá trình xin việc của ứng viên.
1. Thể hiện quyết tâm của ứng viên
Chứng chỉ tiếng Nhật là một minh chứng cụ thể cho khả năng và sự đầu tư của người học tiếng Nhật. Do đó, nhiều nhà tuyển dụng sẽ ghi nhận nỗ lực của bạn thông qua các chứng chỉ mà bạn đạt được. Việc bạn cố gắng thi đỗ thể hiện bạn là người nghiêm túc, có mục tiêu rõ ràng và có quyết tâm để thực hiện kế hoạch đã đặt ra. Đây cũng chính là những yếu tố cần thiết trong công việc mà nhà tuyển dụng mong muốn tìm thấy ở một nhân viên.
2. Sự tương quan của các kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết
Tuy các chứng chỉ tiếng Nhật hiện tại chưa đánh giá kỹ năng nói và viết của ứng viên, nhưng nhiều nhà tuyển dụng vẫn cho rằng hai kỹ năng này cũng tương quan so với khả năng Nghe và Đọc. Đồng thời, đối với một vị trí có nhiều hồ sơ ứng tuyển thì nhà tuyển dụng sẽ không muốn mất quá nhiều thời gian vào việc phân tích từng hồ sơ cụ thể. Họ sẽ chẳng biết được bạn đã đạt đủ yêu cầu về tiếng Nhật hay chưa nếu không có minh chứng. Nếu bạn không muốn bị loại ngay từ vòng hồ sơ, hãy chuẩn bị cho mình một chứng chỉ thể hiện năng lực nhé.
3. Đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của trụ sở chính tại Nhật Bản
Một số chi nhánh công ty Nhật tại Việt Nam sau khi hoàn thành việc tuyển dụng nhân viên sẽ phải viết báo cáo về lý do tuyển dụng. Thông tin này sẽ được gửi về cho trụ sở chính tại Nhật để xem xét. Đối với những vị trí mà tiếng Nhật là yêu cầu bắt buộc thì lý do tuyển dụng sẽ gồm cả khả năng tiếng Nhật của ứng viên đó. Vì trụ sở chính không trực tiếp phỏng vấn nên đại diện tại Việt Nam sẽ phải sử dụng chứng chỉ để làm bằng chứng, sau đó mới bổ sung thêm đánh giá trực tiếp qua buổi phỏng vấn. Do vậy, quy trình này cũng khiến nhiều ứng viên bị loại từ vòng hồ sơ.
4. Điều kiện để nhận trợ cấp cho nhân viên có chứng chỉ tiếng Nhật
Một số công ty Nhật Bản đưa ra mức trợ cấp hấp dẫn hàng tháng cho những nhân viên có chứng chỉ tiếng Nhật. Họ muốn nhân viên luôn duy trì trình độ tiếng Nhật tốt để đáp ứng nhu cầu công việc, đồng thời khích lệ nhân viên phát triển trình độ tiếng Nhật lên cao hơn nữa. Một số công ty có thể lấy căn cứ từ khi bắt đầu đi làm, một số lại yêu cầu nhân viên tham gia thi lấy chứng chỉ mỗi năm, một số thậm chí còn trừ tiền thưởng nếu kết quả thi gần nhất không đạt.
Có thể nói rằng chứng chỉ tiếng Nhật không thể hiện toàn bộ khả năng làm việc của ứng viên. Tuy nhiên, với những vai trò vừa nêu trên thì khi ứng tuyển vào các công ty Nhật, bạn cũng nên đầu tư cho bản thân để tăng khả năng trúng tuyển của mình nhé. Chúc các bạn thành công!