Hàng chục nghìn “doanh nghiệp xác sống” đeo bám kinh tế Nhật Bản
Ở Nhật Bản, có hàng chục nghìn doanh nghiệp đang sống lay lắt, liên tục gia hạn nợ, thua lỗ nhiều năm liên tiếp và không đóng thuế nhưng vẫn được ưu đãi vốn do chính sách của Chính phủ.
Sở hữu một tiệm sửa chữa ô tô ở phía Tây Bắc Tokyo, một người đàn ông Nhật Bản giờ đã phải sử dụng đến cả số tiền dự định dùng cho thời kỳ nghỉ hưu của mình để có thể tiếp tục kinh doanh. Ở tuổi ngoài 60, ông đang kinh doanh thua lỗ và biết rằng cuối cùng mình sẽ không trụ nổi.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, ông vẫn đang cố gắng duy trì bằng cách trì hoãn trả nợ hết lần này đến lần khác. Garage ô tô này được mở ra từ thời bố của ông, sau khi chiến tranh kết thúc và ban đầu chỉ có khoảng 20 nhân viên.
Trường hợp kể trên là một trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ ở nhật đang cố gắng cầm cự bằng việc tận dụng các điều kiện tái cấp vốn lỏng lẻo - tình trạng đã kéo dài ở Nhật Bản suốt kể từ khủng hoảng tài chính đến nay.
“Tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó. Khách hàng vẫn đến dù không nhiều, vì thế chúng tôi không thể từ bỏ”, ông chủ garage ô tô nói.
Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe luôn coi việc tỷ lệ phá sản giảm là một trong những thành tựu kinh tế mà chính quyền của ông đã đạt được, có nhiều tiếng nói chỉ trích về những tác dụng phụ của việc này: ở Nhật Bản nở rộ những “doanh nghiệp xác sống” (zombie), khiến sản xuất càng dư thừa từ đó gây áp lực giảm phát và cũng khiến mục tiêu lạm phát 2% mà NHTW nước này đặt ra trở nên xa vời. Bên cạnh đó, trong khi tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng, Nhật Bản không thể để tình trạng công nhân “vật vờ” trong những doanh nghiệp đang “chết dần chết mòn” như vậy.
Số doanh nghiệp Nhật Bản phá sản đều đặn giảm từ năm 2009 đến nay.
Nguồn: Bloomberg.
Toru Fujimori của công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho rằng những doanh nghiệp xác sống chính là nguyên nhân khiến lạm phát không thể tăng. “Đây là sự cạnh tranh không công bằng. Họ không thể hoàn trả cả gốc và lãi, không đóng thuế trong khi các công ty khỏe mạnh hơn đóng thuế, trả nợ đầy đủ và còn phải cạnh tranh về giá nữa”.
Fujimori định nghĩa công ty “zombie” là những doanh nghiệp không thể trả nợ, đã mất thanh khoản và lỗ 3 năm liên tiếp.
Theo OECD, “doanh nghiệp xác sống” không phải là vấn đề chỉ tồn tại ở Nhật Bản, nhưng điều đáng lo ngại là ở đây phong trào khởi nghiệp rất kém phát triển. Tỷ lệ startup và phá sản chỉ là 5%, bằng 1/3 so với các nước phát triển khác dù ông Abe đã cam kết sẽ cải thiện tình hình.
Năm 2013, Chính phủ Nhật đặt mục tiêu tăng tỷ lệ thôi việc lên 10%. Tuy nhiên cuối năm ngoái, Chính phủ lập luận rằng để đạt được mục tiêu này, trước hết phải thay đổi cái nhìn của xã hội.
Tuy nhiên chính các quan chức Nhật Bản cũng đang ở trong thế khó. Nếu như thực sự siết chặt điều kiện cấp tín dụng, họ sẽ vấp phải sự chỉ trích từ Quốc hội.
Ngọn nguồn sự việc phải kể đến những ngày tháng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính Nhật Bản khi đó là Shizuka Kemai đã thông qua luật buộc các định chế tài chính phải linh hoạt hết mức có thể trước yêu cầu từ các doanh nghiệp nhỏ. Kể cả sau khi luật hết hạn, cơ quan này vẫn tiếp tục gây sức ép lên các ngân hàng.
Khoảng 70% người lao động Nhật Bản đang làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ như vậy. Chính sách tái cấp vốn dễ dãi giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tiếp từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên 2/3 số doanh nghiệp không có đủ lãi để trả thuế.
Trong báo cáo hồi tháng 4 năm ngoái, OECD nhận định tình trạng hiện nay dẫn đến các nguồn lực phân bổ không hợp lý, các doanh nghiệp khỏe mạnh lại bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn, làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng.
Số doanh nghiệp Nhật phá sản đã giảm 7 năm liên tiếp, từ mức hơn 13.000 trong năm 2009 xuống chỉ còn 8.164 năm 2016. Theo Fujimori, nếu tính đến cả những “doanh nghiệp xác sống”, con số phải lên đến 35.000.
Nguồn: Cafebiz