Fanpage

Tiếng Nhật vẫn đang biến đổi

Bạn có thể đã nghe nói đến tinh thần dân tộc của người Nhật. Bạn cũng có thể đã đọc được ở đâu đó rằng người Nhật không thích dùng tiếng Anh.

Tuy nhiên có một thực tế là dân Nhật có thể là những người sử dụng tiếng Anh nhiều nhất trong đời sống hằng ngày tại châu Á khi biết rằng họ đã “địa phương hóa” tiếng Anh vào hệ thống ngôn ngữ truyền thống của mình. 
Một hệ thống ngôn ngữ được mượn không ngần ngại

Tiếng Nhật gồm ba kiểu chữ viết chính: kanji, hiragana và katakana. Kanji là kiểu chính, có nguồn gốc từ tiếng Hán được chỉnh sửa. Kanji được du nhập vào Nhật Bản vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất và đã không có gì thay đổi cho đến giai đoạn Nhật Bản thực hiện cách mạng công nghiệp (1868 trở đi). 

Từ thời điểm này ngôn ngữ Nhật Bản có những sự du nhập và vay mượn từ của các ngôn ngữ khác, chủ yếu là tiếng Anh. Trên thực tế, vào thời kỳ Minh Trị những người quảng bá các từ và khái niệm mới đóng một vai trò giáo dục lớn đối với xã hội (nhận định của Yuichiro Yamada, giáo sư ngôn ngữ tại ĐH Tổng hợp Hiroshima Shudo). Ngày nay, người Nhật có rất nhiều từ mượn, chẳng hạn rimokon (remote control), terebi (television) hay depāto (department store)…

Nhiều chuyên gia đang nhìn thấy, thậm chí khơi mào nhiều xu hướng mới trong việc sử dụng tiếng Anh tại Nhật. Một ví dụ là bộ sách được bắt đầu xuất bản vào 2001 của Jun Yamada. Bộ sách này được làm từ giấy tái chế và theo kiểu phương Tây. Thứ nhất, nó có kích thước lớn hơn mức bình thường của sách Nhật. Thứ hai, nó được trình bày theo kiểu đọc từ trái sang phải thay vì từ phải sang trái (tức là mặt mà chúng ta coi sau lại là trước) của sách Nhật truyền thống. Thứ ba, và đáng chú ý nhất, nó sử dụng nhiều chú thích bằng tiếng Anh đối với nhiều cụm từ. 

Jun Yamada cho biết đối tượng của bộ sách này là những doanh nhân thành đạt từng sống ở nước ngoài. Và đây là cơ sở để ông phản bác những lời chỉ trích đối với bộ sách của ông. “Bạn bực mình với kiểu trình bày của tôi do bạn không biết tiếng Anh. Như vậy là bạn không thuộc đối tượng độc giả mà tôi hướng đến, và bạn có quyền không mua bộ sách này” - Yamada nói thẳng. 

Nhìn rộng hơn, ngày càng có nhiều sách giáo khoa, tài liệu của Chính phủ và các công ty tại Nhật sử dụng cách viết trái sang phải thay vì phải sang trái như trước kia.

Masamitsu Ito, một nhà ngôn ngữ tại Viện Ngôn ngữ quốc gia của Nhật đã theo dõi phần lời của nhạc pop Nhật và nhận xét kể từ thập niên 1980, ngày càng có nhiều ca sĩ lồng tiếng Anh vào bài hát của họ. Ông cho rằng “vốn từ tiếng Nhật cổ điển đã trở nên ít và nhàm chán” trong khi “ngày càng có nhiều người Nhật học tiếng Anh hơn và có nhiều trường dạy tiếng Anh hơn, thứ tiếng này đã rất quen thuộc với người Nhật".

Trên thực tế, nhiều chuyên gia hoài cổ đã phàn nàn rằng hiện nay có nhiều người Nhật chêm quá nhiều từ tiếng Anh vào các cuộc nói chuyện của họ. Điều này một phần là vì họ thấy dùng tiếng Anh ngắn gọn hơn khi cần diễn đạt một ý. Cũng có những người làm như vậy vì phô trương, sính ngoại. Nhưng việc có những tựa đề phim và tít báo dành cho giới trẻ sử dụng “the” hay “in” giữa các từ tiếng Nhật rõ ràng không phải để phô trương, dù trong tiếng Nhật từ trước tới nay không hề có quán từ hay giới từ. 

Có thêm các từ mới là tự nhiên

Susumu Ono, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Nhật nhận định: “Người Nhật trong cả 1.000 năm đã dùng những từ Hán có sự điều chỉnh, bây giờ là giai đoạn hấp thụ một loại từ ngữ nữa”. Sự thật là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã dùng rất nhiều từ mượn khi nước này tăng cường giao lưu với phương Tây về mặt công nghệ và văn hóa. Quá trình này dẫn đến một kết quả là một bộ phận dân Nhật không hiểu nhiều từ mượn. 

Tháng 6-2006, Viện Ngôn ngữ quốc gia đã công bố báo cáo của một cuộc thăm dò được thực hiện trên 3.000 người Nhật từ 2002-2004 để chứng minh điều này. Cuốn sách đã chỉ ra nhiều ví dụ điển hình như rodo puraishingu (xuất phát từ road pricing - thu phí đường bộ) hay paburikku inborubument (public involvement - sự xã hội hóa). 

Hơn một nửa số người được hỏi cho rằng những từ du nhập thuộc những lĩnh vực “nghiêm túc” như chính trị, kinh tế hay y học cần phải được Nhật hóa hoàn toàn bằng kiểu chữ kanji chính thống. Với các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, thời trang… không đầy 10% đòi một sự Nhật hóa hoàn toàn. Dựa trên kết quả thu được này, báo cáo đã đưa ra một danh sách các từ kanji thay thế cho những từ cần nghiêm túc mà vẫn “lai Tây” và đề xuất các cơ quan liên quan sử dụng chúng.

Chuyện sử dụng ngôn từ như thế nào được quyết định bởi thói quen và tùy đối tượng. Các nhà ngôn ngữ Nhật Bản nhận định rằng tốc độ du nhập từ mới vào nước này nhanh hơn nhiều tốc độ “chính thức hóa” những từ đã du nhập. Không biết ông thủ tướng mới Yasuo Fukuda sẽ dùng tiếng Nhật như thế nào, còn với vị tiền nhiệm Abe, việc dùng từ mượn là phổ biến. 

Và đây là một đoạn trích từ phát biểu của ông trước Hạ viện hồi tháng một (những từ không in nghiêng là đã được dịch từ tiếng Nhật): "We will start a new, future-oriented purojekuto (project) aimed at strategically sending, both within Japan and abroad, the new Japanese kauntori aidentiti (country identity)". (Chúng ta sẽ triển khai một dự án mới hướng tới tương lai nhằm quảng bá một cách có chiến lược hình ảnh đất nước Nhật mới tới người dân trong và ngoài nước Nhật).
 
LÊ THÀNH TTOL (Tổng hợp từ Japan Times)

024.3868.1777