Fanpage

VÌ SAO TRẺ EM NHẬT CÓ TÍNH TỰ LẬP CAO VÀ KIÊN CƯỜNG

Mặc dù rất yêu thương con nhưng người Nhật cũng rất nghiêm khắc trong cách dạy dỗ trẻ. Ngay từ khi còn rất nhỏ chúng đã được rèn cách tự chăm sóc bản thân và một lối sống quy củ, hướng thiện. Đó cũng là lời giải đáp cho những câu chuyện về tình người, ý chí kiên cường và tinh thân dân tộc của người Nhật vốn được cả thế giới nể phục, đặc biệt sau thảm họa sóng thần năm 2011.

 

Vì sao trẻ em Nhật có tính tự lập cao và kiên cường?

Trẻ tới trường với rất nhiều loại túi
Ở Nhật, trước khi đưa trẻ đến lớp, phụ huynh bị yêu cầu phải chuẩn bị một số lượng túi nhất định với các kích cỡ khác nhau để đựng các loại vật dụng. Đó là túi đựng sách vở, đựng bút và dụng cụ để vẽ, đựng đồ dùng ăn uống, đựng quần áo sạch để thay, túi để quần áo bẩn, túi đựng giày… Các túi được quy định về kích thước và có tiêu chuẩn, chứ không được sử dụng tùy tiện. Ngoài ra, phải có túi to hơn để chứa túi nhỏ hơn cho gọn và dễ tìm.
 
 
Vì sao trẻ em Nhật có tính tự lập cao và kiên cường?
 
Các cô giáo giải thích quy định này nhằm rèn tính ngăn nắp cho trẻ nhỏ, đồng thời giúp chúng có ý thức quản lý các đồ vật của mình một cách khoa học, tránh tình trạng dùng lẫn đồ của nhau. Thực tế chỉ sau 2 năm, những đứa trẻ trở nên rất thành thục trong việc xếp đặt đồ đạc vào đúng chiếc túi của nó. Đây có lẽ  cũng là lời lý giải cho việc người Nhật rất tinh tế trong mọi công việc và có tính ngăn nắp cao.
 
Phụ huynh không xách balô cho bon trẻ
Tại Việt Nam, khi đưa con đi học, các bậc phụ huynh thường giúp con mang cặp, ba lô vì lo ngại chúng quá nặng so với trẻ, lâu dần trẻ thường ỷ lại mà không có ý thức tự mang vác đồ cá nhân. Tuy nhiên, điều này là tối kị ở Nhật. Tại đất nước mặt trời mọc, dù là bố mẹ hay ông, bà khi dắt trẻ đến trường đều không ai xách bất kì chiếc túi nào giúp cho chúng cả. Bọn trẻ phải xách tất cả những chiếc túi đủ kích cỡ đó, thường. Dẫu vậy, chúng không hề tỏ vẻ nặng nhọc, thậm chí còn chạy rất nhanh.
 
Nếu phụ huynh có ý giúp con mang đồ cá nhân, giáo viên sẽ có ý kiến cho rằng không nên làm thế, hãy để đứa trẻ tự xách những chiếc túi giống như mọi trẻ khác ở trường, đó mới là giúp con trưởng thành.
 
Thay quần áo liên tục
Thường thì các trường mẫu giáo đều có một bộ đồng phục riêng. Tuy nhiên, vào giờ chơi chúng sẽ được thay bộ quần áo khác, đến giờ tập thể dục, bọn trẻ lại thay đồ và giày thể thao. Trước khi đến giờ trở về nhà, tất cả lại phải thay quần áo đồng phục của nhà trường. Tất thảy những việc này trẻ cũng phải tự làm, kể cả khi có mặt phụ huynh. Thông qua những gì mà chúng phải tự làm ở trường như thay quần áo, loay hoay với những rắc rối hàng ngày, những đứa trẻ Nhật đã bắt đầu hình thành thói quen tự lập từ khi chúng mới chỉ 2-3 tuổi. Người Nhật rất chỉn chu trong ăn mặc và rất chăm chút đến vệ sinh cá nhân có lẽ cũng nhờ cách giáo dục như vậy từ đây.
 
 
Vì sao trẻ em Nhật có tính tự lập cao và kiên cường?
 
Mặc quần cộc vào mùa đông
Nhắc đến mùa đông của xứ sở hoa anh đào, chắc mọi người sẽ hình dung ra ngay cảnh tuyết phủ trắng xóa khắp nơi. Thế nhưng trẻ con Nhật lại buộc phải mặc quần cộc vào mùa đông khi đến trường. Lạnh cũng phải chịu. Thật bất ngờ hơn khi các mẹ Nhật lại chia sẻ rằng: “Trẻ sẽ dễ ốm, nhưng lý do chúng tôi đưa bọn trẻ tới trường mầm non là để chúng ốm mà”! Vậy nhưng rất ít trẻ bị ốm vì lý do này, trái lại trong các trường học, đám trẻ vẫn khỏe mạnh chạy nhảy tung tăng. Đó là cách mà người Nhật rèn cho con cái sự chịu đựng được gian khó cũng như sức bền bỉ, ý chí cao.
 
Tổ chức thi đấu khi chưa đầy 1 tuổi
Tất cả những lớp học ở trường mầm non Nhật Bản đều được đặt tên theo các loài hoa, thường là Hoa Cúc,  hoa Loa Kèn hoặc Violet. Những đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi thì ở lớp Hoa Đào.
 
Ngay từ những lớp “hoa đào” trẻ đã được tham gia thi đấu thể thao hay những chương trình biểu diễn. Việc tổ chức thi đấu cho lứa tuổi này rất vất vả vì chúng chỉ trực khóc, nhưng người Nhật vẫn kiên trì làm vậy chỉ vì muốn trẻ nhỏ làm quen với sự cạnh tranh. Người ta đã chứng minh trí não con người phát triển mạnh nhất chính là từ thời kỳ này trở đi chứ không phải ngược lại như xưa nay vẫn cho là thế.
Trong khi đó, ở Việt Nam, các phụ huynh và các trường chỉ chăm chú “nhồi” cho đám trẻ ăn thật nhiều, ngủ thật say và đó cũng là những tiêu chuẩn hoàn hảo cho sự phát triển của trẻ. Vậy nên mới có những cô cậu dù đã đến tuổi vị thành niên thừa sự ngây ngô, lãng đãng, mơ mộng mà thiếu đi tinh thần phấn đấu, thi đua và chẳng khác nào những “chú gà công nghiệp” .
 
Coi trọng bóng đá nữ
Khi bọn trẻ học tới lớp mẫu giáo nhỡ ở trường mầm non, chúng bắt đầu được làm quen với các môn thể thao chính thống, trong đó có bóng đá. Điều đặc biệt là ngoài các đội bóng đá nam, còn có các đội bóng đá nữ. Chúng cũng chơi như những vận động viên thực thụ, thậm chí là còn thi đấu với các trường mầm non khác. Giải thích về việc này, các cô giáo nói rằng làm như vậy nhằm làm cho trẻ nhận thấy con trai, con gái đều bình đẳng, nâng thêm lòng dũng cảm cho con gái và coi đây cũng là cách giáo dục bình đẳng giới của người Nhật.
 
Dạy cách “cười” và nói “cảm ơn”
Trong những trường mầm non ở Nhật, dường như họ không hề quan tâm đến việc dạy kiến thức cho bọn trẻ. Giáo dục Nhật không chú trọng việc dạy trẻ em học chữ, học tiếng Anh bằng học… cười. Khi bạn hỏi họ dạy bọn trẻ những gì, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đoán được câu trả lời, đó là: “Chúng tôi dạy bọn trẻ cách luôn luôn mỉm cười và nói hai từ cảm ơn”!. Ở Nhật Bản, bạn là ai không quan trọng, mà quan trọng nhất là bạn phải biết “luôn mỉm cười và nói lời cảm ơn”.
 
Với triết lý như vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi trong balô của bọn trẻ không có bất kỳ quyển vở nào, chỉ có những chuyện tranh dành cho lứa tuổi mẫu giáo. Trong kế hoạch giáo dục của các trường cũng không hề có những môn khoa học như toán, ngữ văn… nào, kể cả tiếng Anh cũng không có.
 
Giáo dục ý thức hòa nhập
Ở khắp nước Nhật, có một quy định là trước 9h30 buổi sáng và buổi chiều sau 3h30, tấ cả bọn trẻ ở tất cả các trường học đều phải ra sân chơi cùng nhau. Kết quả là trong sân, những đứa trẻ lớn nhỏ cầm tay nhau chơi đùa rất vui vẻ. Hầu như không thấy có hình ảnh những đứa trẻ ngồi lặng lẽ, lủi thủi một mình tùy thích trong các lớp học vào giờ này.
 
Hoạt động thực tiễn
Có thể nói Nhật là đất nước coi trọng thực tiễn vào bậc nhất thế giới. Hãy nhìn vào chương trình học là biết một năm mỗi đứa trẻ được đi dã ngoại bao nhiêu lần. Không thể đếm được trong suốt những năm học mẫu giáo bọn trẻ đã leo bao nhiêu núi, đồi, được đi thăm bao nhiêu hồ nước, nhìn thấy bao nhiêu động vật và cây cối. Ngoài ra, rất nhiều hoạt động khác như tham gia làm nội trợ, chế tác các đồ vật, đến những ngày hội thể thao, văn hóa, những sự kiện cộng đồng, những lễ hội truyền thống Nhật, những đền chùa, bảo tàng, triển lãm… tóm lại là có rất nhiều hoạt động dã ngoại trong trường mầm non của Nhật Bản.
 
Trong những chuyến đi như vậy các cô luôn chuẩn bị sẵn nội dung để giáo dục theo chủ đề, tận tình giải đáp các câu hỏi bằng ngôn ngữ của trẻ nhỏ để chúng dễ hiểu. Một điều không thể không nhắc tới là các cô giáo trường mầm non Nhật được đào tạo rất bài bản, có kiến thức tổng hợp phong phú, sẵn sàng hy sinh để cứu trẻ trong mọi tình huống nguy cấp. Những lần đi dã ngoại như vậy các cô không “thả” cho các cháu tự chơi chán rồi về, miễn sao an toàn, “đi đến nơi, về đến chốn” như ở ta.
 
Các cụ từ xưa đã có câu: “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, không biết người Nhật có câu nào tương tự như vậy không, nhưng rõ ràng là họ áp dụng triết lý này rất tốt.
 
Không bỏ qua ngày lễ nào
Hằng năm, nước Nhật cũng có rất nhiều lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội truyền thống. Các trường mầm non của Nhật rất chú trọng tổ chức cho trẻ nhỏ tham gia tất cả các ngày lễ hội truyền thống của họ. Theo giải thích của các cô giáo Nhật, thì việc cho các trẻ nhỏ tham gia các lễ hội là nhằm tạo nên bản sắc văn hóa trong mỗi con người Nhật, khích lệ niềm tự hào dân tộc và hun đúc tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật… để sau này trưởng thành, chúng có thể chiến thắng mọi nỗi sợ hãi, kể cả cái chết.
 
Năng lực của giáo viên
Trung bình trong một lớp học mẫu giáo ở Nhật có khoảng 30 học sinh nhưng chỉ có một giáo viên đảm nhận toàn bộ công việc. Tuy chỉ với một giáo viên, nhưng 30 đứa trẻ không đứa nào bị “lãng quên” cả. Tất cả mọi việc học tập đều được sắp xếp một cách ngăn nắp và cẩn thận. Nhìn các cô giáo làm việc với thái độ yêu nghề, yêu trẻ, luôn bình tĩnh, thoải mái và rất chuyên nghiệp, các bà mẹ dù “khó tính” đến mấy cũng cảm thấy yên tâm. Giáo viên mẫu giáo, tiểu học ở Nhật luôn được xã hội đánh giá đúng tầm quan trọng của họ.
 
Nền giáo dục hướng thiện
Các thành phố ở Nhật đều có rất nhiều đền, chùa và tuần nào các cháu nhỏ cũng được các cô đưa tới đó. Mục đích của việc đó là để trẻ sớm có sự hiểu biết về đạo Phật, đồng thời hình thành tư tưởng hướng thiện ngay từ khi còn nhỏ.
 
Nhật Bản có 2 loại hình giáo dục mầm non là mẫu giáo và nhà trẻ. Mẫu giáo do Bộ Giáo dục quản lý, thời gian giữ trẻ giới hạn trong phạm vi 4 giờ và chỉ nhận trẻ từ 3-5 tuổi, tất cả phụ huynh phải trả mức học phí như nhau.
 
Trong khi đó, nhà trẻ là do Bộ Lao động – Y tế quản lý, thời gian giữ trẻ dài hơn và độ tuổi được gửi vào từ sơ sinh đến 5 tuổi. Mục đích của nhà trẻ là để phục vụ những phụ huynh đang đi làm. Học phí được tính theo mức thu nhập của từng phụ huynh.
 
Nhật Bản xác định nhà trẻ là một hệ thống hỗ trợ mang tính xã hội. Do đó, nhà trẻ ở Nhật Bản rất được ngành giáo dục coi trọng và đầu tư chu đáo.
 
Theo phân tích của TS Võ Phan Thu Hương (ĐH Sài Gòn), nhu cầu gửi trẻ từ 4 tháng tuổi ở Việt Nam là rất cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tốc độ tăng dân số cơ học ở các TP, đô thị lớn ngày ngày nhanh (ở Nhật thì ngược lại) trong khi tốc độ phát triển các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ lại luôn đi sau.
 
Trẻ mầm non cần được chăm sóc, nhưng ngành giáo dục lại đầu tư cho các trường mầm non quá thấp, chỉ chiếm 8,5% ngân sách. Trong khi đó, việc xây dựng, mở mang khu dân cư mới lại thường “quên” xây dựng các trường mầm non, nhà trẻ. Vì vậy, nhiều phụ huynh phải tìm đến nhà trẻ tư thiếu an toàn và chất lượng kém, hậu quả là nhiều chuyện trẻ bị xâm phạm, bạo hành đã xảy ra trong thời gian qua.
 
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản cực kỳ chú trọng chất lượng nhà trẻ. Từ kinh nghiệm tạo dựng chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non của Nhật Bản, bà Hương đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới chính sách đào tạo, khuyến khích và coi trọng giáo viên mầm non hơn nữa, xóa bỏ những lỗ hổng trong bậc giáo dục này.

024.6664.7001